Trào ngược dạ dày thực quản: Điều trị như thế nào?

 09:11 08/06/2020        Lượt xem: 535

Trào ngược dạ dày thực quản: Điều trị như thế nào?

Trào ngược dạ dày thực quản: Điều trị như thế nào?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên Nội Tiêu Hóa - Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng các chất chứa trong dạ dày trào trào ngược trở lên thực quản, họng gây tình trạng ợ nóng, ợ hơi và đau rát vùng ngực dọc theo xương ức. Tỷ lệ mắc bệnh lại ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong nhịp sống công nghiệp hiện nay. Bệnh có những triệu chứng nào và phải điều trị ra sao?

 

1. Tác hại của trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản không chỉ gây ợ nóng và khó chịu thoáng qua mà nó còn gây ra nhiều tác hại nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ. Thực tế, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Dưới đây là những tác hại do trào ngược dạ dày thực quản gây ra:

 

Viêm đường hô hấp

Dịch axit từ dạ dày trào ngược lên tới đường hô hấp có thể gây ra viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản và viêm phổi. Hậu quả, bệnh nhân ho, khò khè, khàn tiếng kéo dài nhưng lại không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

 

Viêm loét thực quản

Một tác hại khác của trào ngược dạ dày đó là hẹp thực quản. Axit dạ dày trào ngược làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây ra viêm, dẫn đến loét, hẹp thực quản. Người bệnh lúc này biểu hiện thành các triệu chứng như: khó nuốt, nuốt nghẹn, đau họng, đau ngực, đau xương ức khi ăn uống, buồn nôn và nôn, mất cảm giác thèm ăn.

 

Barrett thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra 1 loại tổn thương thực quản khác là Barrett thực quản. Tổn thương Barret thực quản nặng và kéo dài có thể dẫn đến ung thư thực quản. Bệnh lý này được phát hiện nhờ nội soi thực quản dạ dày.

 

Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là hậu quả nghiêm trọng của viêm loét thực quản do trào ngược kéo dài. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh nhân ung thư thực quản do trào ngược ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng không điển hình. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân thường đi khám với triệu chứng nuốt nghẹn, đau sau xương ức dai dẳng, khàn tiếng. Đôi khi sờ thấy hạch to ở phần dưới cổ họng. Cơ thể bệnh nhân gầy sút và suy kiệt do không ăn được.
Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường

 

2. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tùy theo mức độ của bệnh. Phần lớn các trường hợp nhẹ, mới xuất hiện chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, bệnh cũng có thể được cải thiện (bỏ thuốc lá, bỏ bia rượu, giảm cân, giảm stress...). Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán và liệu trình điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh nếu bệnh kéo dài. Những nhóm thuốc chính bác sĩ thương kê đơn cho bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là: PPI làm giảm axit trong dạ dày và một số thuốc chống trào ngược Các phương pháp khác có thể áp dụng với trào ngược dạ dày nặng và kéo dài như phẫu thuật: Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Trào ngược dạ dày thực quản

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tùy theo mức độ của bệnh

 

3. Điều trị tại nhà bằng cách thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể làm giảm tần suất trào ngược axit dạ dày. Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao giờ cũng phải đi kèm với chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Sau đây là một số mẹo nhỏ chữa trào ngược dạ dày dành cho bạn:

  • Duy trì cân nặng phù hợp: Tình trạng thừa cân gây áp lực lên toàn bộ cơ thể bạn, khiến dạ dày bị đẩy lên và làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản, dẫn đến axit từ dạ dày trào lên thực quản.
  • Đừng vội nằm sau khi ăn: Không ăn tối quá muộn, tốt nhất là trước 8h tối. Sau khi ăn 2- 3 hãy nằm xuống hoặc đi ngủ.
  • Ăn chậm, nhai kỹ: Cố gắng nhai kỹ và nuốt hết phần ăn trong miệng trước khi bắt đầu lấy thêm một phần ăn khác.
  • Chia nhỏ bữa ăn để không ăn quá no, thức ăn trong dạ dày quá đầy sẽ dễ trào lên thực quản.
  • Tránh các loại đồ ăn thức uống kích thích trào ngược axit: Thực phẩm béo, chiên, sốt cà chua, rượu, sô cô la, bạc hà, tỏi, hành tây và cafein. Bổ sung trái cây, rau xanh.
  • Tránh mặc quần áo bó sát: Quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên phần bụng và cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện gây ra trào ngược dạ dày thực quản.
  • Sử dụng thảo dược: Cam thảo và hoa cúc đôi khi được sử dụng để giảm trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, các thảo dược tự nhiên thỉnh thoảng lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến thuốc đang điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ một loại thảo dược nào.
  • Thư giãn, giảm stress: Các bằng chứng cho thấy, giảm căng thẳng và bớt lo âu có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng.

Trường hợp bệnh trào ngược làm bạn khó chịu nhiều, lâu ngày không khỏi hoặc xuất hiện các dấu hiệu như khó nuốt, nuốt nghẹn, đau âm ỉ, bạn cần đến ngay với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được can thiệp điều trị kịp thời.

 

Đánh giá:              (4.9/5 Tổng bình luận: 224351 Lượt bình luận)
Tin liên quan
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây