10:00 08/06/2020 Lượt xem: 550
Theo thống kê của các tài liệu cho thấy trong tất cả bài thuốc bổ của Đông y thì vị thuốc đương quy được sử dụng nhiều nhất. Điều này chứng tỏ lợi ích của vị thuốc này trong công dụng bồi bổ sức khỏe là vô cùng lớn.
Hiện nay đương quy được sử dụng rất rộng rãi trên lâm sàng và được nhiều nhà khoa học nghiên cứu chứng minh lợi ích của vị thuốc này đối với sức khỏe của con người. Đương quy cùng các vị thuốc khác được bào chế thành dạng thuốc nước, dạng thuốc viên, dạng thuốc cao… bán rộng rãi trên thị trường với công dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Đương quy được ứng dụng trên các bệnh lý về phụ nữ, xương khớp, tiêu hóa, tim mạch, mạch máu, hô hấp đạt hiệu quả cao mà không gây độc. Đương quy là rễ củ khô của hai loài đương quy: đương quy Trung Quốc (Angelica sinensis (Oliv.) Diels) và đương quy Nhật Bản (A. acutiloba Kit.).
Đương quy đã được sử dụng trong Y học cổ truyền cách đây hơn 2.000 năm. Từ thời nhà Minh, Lý, Trần đã viết “Đương quy điều hòa tuần hoàn máu, dùng làm thuốc chữa bệnh phụ nữ”. Đương quy được sử dụng độc vị hoặc phối hợp với các vị khác điều trị gần 40 bệnh khác nhau, trong đó nhiều bệnh là hậu quả của hội chứng nghẽn mạch máu, thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, với tác dụng trên nội tiết sinh dục nữ, đương quy còn tham gia thành phần trong các loại mỹ phẩm dùng cho phụ nữ. Đối với tuần hoàn mạch máu, đương quy bổ huyết, hoạt huyết khử ứ, chỉ huyết có tác dụng hạ mỡ máu rất tốt, chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, người bệnh thiếu máu, bệnh tim mạch.
Vị thuốc đương quy
Theo Đông y, đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn. Vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ. Có tác dụng: bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh. Đương quy là vị thuốc rất phổ thông trong Đông y. Nó là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời cũng dùng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác. Chủ yếu dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, thống kinh; trước kỳ kinh 7 ngày thì uống. Ngày uống 6 - 15g dưới dạng thuốc sắc (chia làm 2 lần uống trong ngày) hoặc dưới dạng thuốc rượu mỗi lần 10ml, ngày uống 3 lần. Uống 7 - 14 ngày đương quy còn được sử dụng làm thuốc bổ huyết chữa thiếu máu, chân tay đau nhức và lạnh.
Bài Tứ vật (Tứ vật thang):
Đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g.
Dùng nước 600ml sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày, làm thuốc chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau ở rốn, đẻ xong máu hôi chảy mãi không ngừng.
Đối với phụ nữ sau khi đẻ lắm bệnh có khi người ta dùng bài Tứ vật nói trên thêm hắc can khương, hắc đậu(đậu đen), trạch lan, ngưu tất, ích mẫu, bồ hoàng.
Bài Đương quy kiện trung thang của Trương Trọng Cảnh dùng để chữa bệnh phụ nữ sau khi đẻ thiếu máu, thuốc bổ huyết:
Đương quy 7g, quế chi 6g, sinh khương 6g, đại táo 6g, bạch thược 10g, đường phèn 50g.
Dùng nước 600ml sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Dưỡng não hoàn (viên dưỡng não) chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê:
Đương quy 100g, viễn chí 40g, xương bồ 40g, táo nhân 60g, ngũ vị 60g, khởi tử 80g, đởm tinh 40g, hổ phách 40g, nhục thung dung 80g, bá tử nhân 60g, chu sa 40g, hồ đào nhục 80g.
Tất cả tán thành bột thêm mật ong vào viên thành viên mỗi viên nặng chừng 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Uống 15 ngày (bài thuốc kinh nghiệm Trung Quốc). Đã áp dụng thấy kết quả tốt ở BV. Bạch Mai, chữa mất ngủ khỏi 85%, váng đầu khỏi 78,65%, ngủ mê đạt 77,22%, đau đầu đạt 79,59%.
Trong Đông y phân biệt: quy đầu, quy thân, quy vĩ có tác dụng khác nhau. Gần đây người ta chứng minh tỉ lệ tinh dầu ở các bộ phận khác nhau của rễ có khác nhau.
Theo kinh nghiệm thầy thuốc xưa:
- Quy đầu có tác dụng cầm máu đi lên.
- Quy thân nuôi huyết ở trung bộ.
- Quy vĩ phá huyết đi xuống dưới.
- Toàn quy thì hoạt huyết.
Quy vị cay thì hay tán, người nào hư, hỏa thịnh nên kiêng; vị ngọt thì ủng tắc, người nào tỳ vị hư hàn chớ dùng, thể nhuận linh hoạt, người tiết tả nên kiêng.
Theo Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân:
- Quy thân chủ thủ có công bồi dưỡng.
- Quy vĩ chủ thông có công trục ứ.
- Quy đầu có tính đi lên trên chữa những chứng tiện huyết, niệu huyết rất hay. Nhưng chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam) mà dùng có khác nào chắp cánh cho hổ, cho nên làm thuốc phải sành chớ ngộ nhận 2 chữ chỉ huyết.
BS. TIỀN NGỌC TÚ